Năm nay, các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển ĐH, tạo ra cơ hội rộng mở cho thí sinh, điều khiến thí sinh cân nhắc lúc này là học phí, chương trình đào tạo, thời gian đào tạo...
Lo học phí, chương trình đào tạo.
Từ ngày 14 tháng 1, ĐH Gia Định đã nhận hồ sơ xét học bạ 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) nhưng đến hiện tại trường mới nhận được 500 bộ hồ sơ. Thay vì nộp hồ sơ online, đa phần thí sinh lại trực tiếp đến trường để tìm hiểu thêm thông tin về ngành học, chương trình đào tạo, chính sách học phí, học bổng...
Đến nay, lượng hồ sơ xét học bạ nộp vào trường đại học Công nghiệp Thực phẩm cũng mới hơn 1.100 bộ dù trường dành tới 1.400 chỉ tiêu ở đợt xét tuyển này. Ths Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM - cho hay trong số hơn 1.100 hồ sơ trường nhận được đến lúc này phần lớn là các ngành như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing... Trong đó, đa phần học sinh quan tâm học phí thế nào? Thời gian đào tạo có được rút ngắn hay không? Chương trình đào tạo thì gồm những môn học nào? Giáo dục thể chất thì có được tự chọn hay không...
Còn tại trường Đại học Lương thế Vinh, Ths Trần Minh Khương, Phó trưởng Phòng tuyển sinh - Truyền thông cho biết trường thực hiện xét tuyển theo ba phương thức: Xét tuyển sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT (20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (70% chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực (10% chỉ tiêu) đối với các 7 ngành đào tạo đại học là: Kỹ thuật xây dựng, , CNTT, Tiếng Anh, Thú Y, QTKD, Kế toán… đây đều là những ngành được đánh giá là hợp xu hướng. Hiện tại lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tại nhà trường được khoảng 20% tổng chỉ tiêu năm nay. Lựa chọ học tập tại các em sẽ được hưởng nhiều ưu đãi: mức học phí tối ưu nhất, hỗ trợ chỗ ở ký túc xá, học tập trong môi trường học tập hiện đại, Chương trình đào tạo luôn cập nhật để đáp ứng kịp thời với đòi hỏi của thị trường lao động... Đây sẽ là lựa chọn tốt cho các em trên hành trang lập thân, lập nghiệp ở tương lai.
Nhiều trường đại học khác cho biết hồ sơ xét học bạ trường nhận được chưa nhiều. Có thể, thí sinh cần thời gian để cân nhắc trước khi quyết định chọn nghề, chọn trường.
Trúng tuyển rồi, có nhập học?
Lo ngại rất lớn của các trường lúc này là những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không nhập học gây ra tình trạng thí sinh ảo
Theo Ths luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định, phương thức tuyển sinh xét học bạ thường ảo nhiều nhất. Trường hy vọng là những thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đã được tư vấn kỹ nếu trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học.
Ths Phạm Thái Sơn cho biết theo thống kê của các năm trước thì tỉ lệ ảo khoảng chừng 60% (tức là trúng tuyển thì tỉ lệ nhập học chừng 40% so với lượng hồ sơ). Nguyên do sâu xa của việc này xuất phát từ việc thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nhiều ngành trong khi thí sinh chỉ có thể nhập học tại 1 trường. Ngoài ra, nhiều thí sinh trúng tuyển học bạ mà vẫn không xác nhận nhập học vì còn chờ cơ hội khác từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
TS Nguyễn Gia Tín, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường đại học Lương Thế Vinh, cho biết lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhưng lượng hồ sơ ảo cũng nhiều. Lý do là thí sinh đăng ký chỉ tập trung vào một số ngành. Những ngành thí sinh đăng ký nhiều thì không ảo nhưng với những ngành thí sinh đăng ký ít, thí sinh trúng tuyển lại ít nhập học gây ra tỉ lệ ảo.
Đại diện nhiều trường đại học cho rằng để giảm tỉ lệ thí sinh ảo, nhiều trường phải gọi tỉ lệ thí sinh trúng tuyển gấp 3, 4 lần tỉ lệ đưa ra mới bảo đảm tuyển đủ chỉ tiêu.
11/03/2022